Hiện tại, thị trường có rất nhiều thương hiệu cước tennis và mỗi thương hiệu lại có nhiều loại dây cước khác nhau. Thương hiệu nào cũng có dây cước với giá từ bình dân tới cao cấp, từ dây cước trơn tới cạnh - xoắn - nhám... Để người chơi tennis có một cú chạm bóng ngọt, vừa tay và theo ý muốn, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến từng pha bóng:

  1. NGƯỜI CHƠI: (yếu tố quan trọng nhất), bao gồm kĩ thuật, động tác, sức khoẻ, phong độ và tâm lý…
  2. CÂY VỢT: trọng lượng, diện tích mặt vợt, mật độ dây dọc - dây ngang, độ cân bằng, độ cứng khung vợt hay trọng lượng vung vợt (swingweight)…
  3. DÂY CƯỚC: dây trơn - dây cạnh - dây xoắn - dây nhám... hay độ cứng của dây, khả năng tạo xoáy (spin), lực đánh (power) có ưng ý, độ êm (comfort) hay khả năng giữ độ căng mặt vợt (string bed tension) có phù hợp với cây vợt?…
  4. MỨC CĂNG DÂY CƯỚC: trên vợt (bao nhiêu kg), liệu có phù hợp với thể hình, sức khoẻ hay lối chơi của bạn. Dây dọc và dây ngang có căng bằng nhau không? Hay dây ngang căng chùng hơn dây dọc hoặc ngược lại…
  5. KỸ THUẬT CĂNG DÂY: người căng dây đã căng đúng tiêu chuẩn chưa?, mặt vợt có đều cân không?, căng 2 nút (one piece) hay căng 4 nút (two pieces)?...
  6. MÁY CĂNG DÂY: shop sử dụng máy căng điện tử hay căng cơ? shop sử dụng máy hiện đại hay không?...

Yếu tố thứ nhất (người chơi) muốn thay đổi cần nhiều thời gian, thêm thời gian chơi bóng, tập luyện…

Yếu tố thứ hai (cây vợt) muốn thay đổi ta cần đầu tư, thêm chi phí, đổi vợt mới, mua vợt cũ hay trao đổi vợt…

Nhưng các yếu tố thứ ba, thứ tư và thứ năm và thứ sáu người chơi đều có thể thay đổi dễ dàng hơn mà không cần mất quá nhiều thời gian và chi phí. Sau một thời gian phục vụ căng dây cho hàng nghìn Khách hàng, chúng tôi nhận thấy rằng: Tennis là môn thể thao của cảm giác. Với cùng một loại dây cước, người chơi A - cây vợt B - mức căng C đánh dây cước này rất hay nhưng người chơi D - cây vợt E - mức căng F lại nhận xét rằng dây cước đó chơi không ổn chút nào. Do đó để chọn được sợi cước - mức cân căng (theo kg) vừa ý, ta tạm cố định 2 yếu tố: Người chơi - Cây vợt và cùng Hùng Sport tìm hiểu thêm về cách chọn theo đặc tính của dây:

1. Chọn dây cước tennis theo độ cứng của dây: Chọn dây cước dựa trên độ cứng (stiffness) là một trong những phương pháp được nhiều người chơi lựa chọn. Trong topic này chúng ta thảo luận với nhau chủ yếu là về dây cước Polyester hay CoPolyester với gauge 17. Ở Việt Nam, dây cước Polyester hay Co-Polyester (Khu vực miền Nam hay gọi là “dây kẽm”) với tiết diện sợi dây 17 (gauge 17 từ 1.20 ~ 1.25mm) được hơn 90% người chơi lựa chọn. Dây cước Polyester hay Co-Polyester là một dạng dây có cấu trúc đơn (Monofilament). Đây là loại dây cứng và ít độ đàn hồi hơn so với Dây ruột bò - tự nhiên (Natural Gut) hay Dây cước mềm - đa lõi (Multifilament) hoặc Dây mềm nhân tạo (Synthetic Gut)… nhưng ưu điểm của cước này thời gian sử dụng tốt hơn, dễ kiểm soát trái bóng, tạo xoáy tốt hơn cước mềm, và đặc biệt giá thành hợp lý. Do đó, rất nhiều nhiều chơi thường căng dây Polyester hay Co-Polyester cho cả mặt vợt (dây dọc và dây ngang căng cùng một loại dây) hay ghép (hybrid - dây dọc và dây ngang là 2 loại dây khác nhau) với cước mềm (cước đa lõi - multifilament). Trong dòng cước Polyester cũng có cước cứng và cước mềm. , nhưnDây cước cứng hơn cho người chơi kiểm soát bóng tốt hơn nhưng ít trợ lực và độ êm kém hơn. Dây cước cứng hơn cũng khiến mặt vợt căng hơn, thời gian bóng ở trên mặt vợt ngắn hơn. Với dây cước độ cứng thấp (mềm) hơn, người chơi có cảm nhận khi đánh bóng có nhiều lực hơn, êm hơn nhưng khả năng kiểm soát bóng giảm đi. Dây cước mềm hay có lớp phủ mềm sẽ có khuynh hướng ít rung hơn. Dây cước mềm có độ co giãn tốt sẽ tạo ra nhiều lực hơn (thường thì những dây tạo ra nhiều lực hơn sẽ hấp thụ nhiều chấn động hơn khi tiếp xúc bóng)g độ căng cũng sẽ mất đi nhiều hơn khi căng lên mặt vợt. Biết về độ cứng của dây cước sẽ giúp người chơi dễ dàng hơn khi chọn cước, tất nhiên cũng phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm của người chơi.

2. Chọn dây cước tennis theo tiết diện của dây: Mặc dù không phải là một yếu tố thiết yếu, nhưng tiết diện của dây cũng là một yếu tố cần được quan tâm, dây có đường kính nhỏ hơn sẽ tạo ra nhiều lực hơn, tạo xoáy tốt hơn, nhưng kiểm soát trái bóng sẽ giảm đi, khả năng giữ độ căng mặt cũng giảm đi, độ bền kém hơn và ngược lại đối với dây có đường kính lớn. Tiết diện và đường kính của dây cước quy đổi ra đơn vị mm:

           15 = 1.41 - 1.49 mm; 17 = 1.20 - 1.24 mm

           15L = 1.34 - 1.40 mm; 17L = 1.16 - 1.20 mm

           16 = 1.26 - 1.33 mm; 18 = 1.10 - 1.16 mm

           16L = 1.22 - 1.26 mm; 19 = 1.00 - 1.10 mm

3. Chọn dây cước theo bề mặt của dây: Dây cước Polyester hay Co-Polyester có đầy đủ các dòng cước với bề mặt Trơn - Cạnh - Xoắn - Nhám (sần). Bề mặt của dây cước sẽ tạo ra hiệu ứng khi tiếp xúc bóng khác nhau.

4. Chọn dây cước tennis dựa trên sự kết hợp giữa Độ cứng của dây cước + Mật độ dây của cây vợt + Độ cứng khung vợt vì các yếu tố này sẽ tạo nên độ cứng mặt vợt khi người chơi đánh bóng. Tuỳ theo đặc điểm và thông số của cây vợt, người chơi sẽ chọn dây cước có đặc tính phù hợp.

5. Sau khi cân nhắc các yếu tố nói trên, khi chọn dây cước, người chơi hãy chia sẻ những trải nghiệm của mình về cây vợt - dây cước - mức căng cũ với nhân viên tư vấn. Vì dây cước Polyester là tương đối cứng , không thân thiện và dễ chịu với cánh tay người chơi, nên lựa chọn mức cân như thế nào là phù hợp để tránh những chấn thương không mong muốn?… Với kiến thức và sự hiểu biết của mình, Nhân viên tư vấn có thể đưa ra những sự lựa chọn gần nhất với mong muốn của người chơi. Nhân viên tư vấn tốt có thể giúp người chơi tiết kiệm chi phí, nhanh tìm được dây cước ứng ý với mức cân phù hợp.

Lưu ý: Hai yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công sức đầu tư cho dây cước và tìm hiểu dây cước, đó là cách căng dây và máy căng dây. Với dây cước ưng ý - mức căng phù hợp nhưng cách căng dây không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất / sử dụng máy căng chất lượng kém có thể dẫn tới những tình huống không mong muốn. Người chơi thường rất ít để ý đến cách căng dây có đúng tiêu chuẩn không ? Căng dây không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến: Cây vợt không được bảo vệ tốt nhất (hạn chế tối đa sự biến dạng của cây vợt trong quá trình căng cước). Chấn thương tay không mong muốn. Mặt vợt không đều cân có thể ảnh hưởng đến những cú đánh và khó kiểm soát trái bóng... Mặt vợt nhanh bị chùng (giữ cân không tốt), có thể nhanh bị đứt dây (đặc biệt với trường hợp dùng móc khi đan dây/điều chỉnh kẹp dây quá chặt)…

Hãy liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất:

Hotline Shop - 0769090708

Kiên - 0977108855

Hùng - 0967798888

hoặc qua trực tiếp Shop Hùng Sport - 115 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội để được hỗ trợ nhanh nhất.

HỆ THỐNG CỬA HÀNG HÙNG SPORT

Hệ thống showroom
Lên đầu trang